Chào mừng bạn đến với website của chúng tôi

 

Tiếng Nhật được xếp hàng ngôn ngữ khó nhất thế giới. Chưa nói đến chuyện chia động từ hay cấu trúc dịch ngược ngạo, Kanji cũng trở thành “mối đe dọa” cho bất kỳ ai muốn làm bạn với tiếng Nhật. Nếu bạn vẫn loay hoay kiếm tìm một phương pháp học Kanji hiệu quả, hãy thử những mẹo nhỏ sau nhé!

1. Về cách học chữ Kanji

Thực ra, đối với những người đang theo học tiếng Nhật tại Việt Nam thì, trừ những người đã và đang học tiếng Trung Quốc, hoặc một số người có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ ra, số người khác đều không khỏi “ngán ngẩm” mỗi khi nhìn thấy loại chữ tượng hình này. Đặc biệt hiện nay, nhờ thành tựu của khoa học kĩ thuật nên khi viết bài văn hay tra từ mọi người đều dựa vào máy tính và từ điển điện tử. Điều này khiến cho việc nhớ chữ Kanji có vẻ càng khó khăn hơn. Do vậy, để nhớ được nhiều chữ Kanji theo tôi người học nên thực hiện những biện pháp sau:

Thứ nhất: là phải viết nhiều. Khác với người học các ngôn ngữ khác, những người học tiếng Nhật ngoài việc cần làm cuốn sổ từ để học từ ra, họ còn phải nhớ cả chữ Kanji. Nếu không những chữ Kanji đã học dễ bị trở thành “chữ chết”, có nghĩa là nếu nhìn vào chữ đã học, người học biết được cách đọc, nghĩa của chữ đó nhưng lại không thể viết ra nếu không dựa vào từ điển. Điều này có lẽ chẳng khác gì người không biết chữ. Vì vậy, để có thể nhớ lâu, người học chỉ còn cách viết đi viết lại thật nhiều và cố gắng tránh ỷ vào từ điển điện tử. Ngay cả khi viết văn hoặc viết thư bằng tiếng Nhật thì người học cũng nên bỏ thêm thời gian để viết nháp bằng tay trước khi đánh trên máy tính vì tính thẩm mĩ của bài văn hay bức thư đó. Và, các giáo viên giảng dạy tiếng Nhật cũng nên yêu cầu học sinh nộp các bài tập, bài văn v.v…được viết bằng tay.

Thứ hai là không viết và học từng chữ đơn lẻ. Ở giai đoạn mới bắt đầu học, do lượng chữ Kanji còn ít nên người học chỉ có học từng chữ. Nhưng khi đã học được lượng chữ Kanji tương đối (khoảng 2~3 trăm chữ trở lên), người học nên học bằng cách ghép các chữ lại với nhau. Chẳng hạn, khi học chữ “ 校 ” ta nên tìm những chữ Kanji có thể ghép được với chữ này để tạo thành một từ mới để học. Ví dụ có thể ghép thành các từ như: 学校 (trường học);高校 (trường trung học phổ thông);校長 (Hiệu trưởng);校則 (nội qui nhà trường);校庭 (sân trường) v.v… Hoặc chữ “安”ta sẽ có được những từ như: 不安(không yên tâm) 安易(dễ dàng) 安全(an toàn) 安静(yên tĩnh) v.v…

Thứ ba là học theo cách đọc On-Kun của chữ Kanji và kết hợp với cách thứ hai. Mặc dù mượn chữ Kanji của Trung Quốc làm văn tự của nước mình nhưng trong quá trình sử dụng, người Nhật thấy chữ Kanji chưa đủ để diễn tả hết ý của mình nên họ đã tạo ra thêm cách đọc mới cho mỗi chữ Kanji. Vì vậy, thông thường mỗi chữ Kanji trong tiếng Nhật đều có hai cách đọc và được gọi là Onyomi (音読み) được dịch ra tiếng Việt là cách đọc theo âm Hán-Nhật và Kunyomi (訓読み) được dịch là đọc theo âm Nhật. Vì vậy, khi học chữ Kanji ta cũng nên học theo hai cách đọc của nó.

Ví dụ: chữ「明」sẽ tìm thấy cách đọc Onyomi là “Mei” và cách đọc theo Kunyomi là “Akarui”.

Chữ 「暗」có cách đọc tương tự là “An” và “Kurai”.

Chữ 「正」có cách đọc là “Sei”, “Sho” và “Tadashii”..…

Sau đó, dựa vào cách đọc theo Onyomi của mỗi chữ Kanji, người học tìm thêm những chữ Kanji khác để ghép chúng lại với nhau tạo thành một từ mới.

Ví dụ, dựa vào cách đọc Onyomi ta ghép hai chữ 「明」+「暗」lại với nhau sẽ được một từ mới là (明暗 : ánh sáng và bóng tối). Hoặc ghép từ 「決:có cách đọc là “けつ” và “きめる”」 với từ 「定:có cách đọc là “てい” và “さだめる” 」ta sẽ có thêm từ mới là 「決定 (けってい: sự quyết định」v.v…

Ngược lại, khi gặp một từ là danh từ ghép hoặc là danh động từ, sau khi đã nhớ được nghĩa của từ đó ta lại tách từ đó ra làm hai để tìm cách đọc theo Onyomi và Kunyomi của mỗi chữ Kanji.

Ví dụ như một số từ dưới đây:

Từ「勉強:べんきょう」khi tách ra từng chữ ta có được kết quả như sau: chữ 「勉」sẽ có cách đọc theo Onyomi là 「べん」và 「めん」còn cách đọc Kunyomi là 「つとめる」. Chữ 「強」có cách đọc theo Onyomi là 「きょう」và đọc theo Kunyomi là「つよい: mạnh mẽ, khỏe, bền」và「しいる:cưỡng bức, áp đặt」

Từ「増加」, chữ「増」đọc theo Onyomi là「ぞう」còn đọc theo Kunyomi là「ふえる」「ふやす」「ます」

Trong 3 cách như trên, cách học thứ 3 sẽ mang lại hiệu quả nhất vì đây là cách học mang tính tổng hợp.

2. Cách phân biệt âm đọc ngắn, dài qua Hán Việt

2.1. Cách thứ nhất

Như chúng ta đã biết, cũng giống như Nhật Bản,trước đây người Việt Nam cũng sử dụng chữ Hán để làm văn tự của mình và, hiện nay cho dù người Việt đã chuyển sang sử dụng hệ chữ La Tinh song vẫn có trên một nửa số từ vựng được sử dụng theo âm Hán-Việt. Vì đều mượn chữ Kanji nên nếu chú ý, ta sẽ thấy không ít chữ Kanji khi được đọc theo Onyomi (âm Hán-Nhật) của người Nhật nó gần giống với âm Hán-Việt của người Việt cho dù là từ đơn hay từ ghép.

Ví dụ như một số từ sau:

Âm Hán-Việt Âm Hán-Nhật

Ám sát An-satsu

Độc lập doku ritsu

Quốc gia kok-ka

Vĩ đại I-đai

Do đó, nếu thuộc âm Hán-Việt, người học có thể dựa vào đó để suy ra cách đọc chữ Kanji đó theo cách đọc Onyomi của người Nhật trong những lúc không có từ điển bên cạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là, nếu người học tiếng Nhật thuộc được âm Hán-Việt của mỗi chữ Kanji thì ở mức độ nào đó sẽ tránh được phát âm sai hoặc chọn sai từ khi tham gia các kỳ thi năng lực tiếng Nhật.

Ví dụ, từ 「主人」phát âm là “shujin” nghĩa là “chồng tôi”, nhưng nếu phát âm thêm một âm tiết “shuujin”thì sẽ trở thành một từ khác nghĩa hoàn toàn (tù nhân). Ngược lại, những từ có trường âm nhưng nếu phát âm thành ấm ngắn thì nghĩa của từ đó cũng khác đi. Ví dụ từ “喪失”nếu đọc đúng “sooshitsu” thì có nghĩa là “mất mát, thiệt hại” nhưng nếu đọc thành âm ngắn “soshitsu” thì lại chuyển thành nghĩa “tố chất” v.v…

Nhưng dùng theo cách này lại gặp phải vấn đề là, có nhiều trường hợp không tuân theo quy tắc này. Ví dụ, âm Hán-Việt của chữ “注” là “chú”, nếu theo quy tắc trên thì chữ Kanji này phải đọc là “ちゅ”bởi sau chữ “CH” chỉ có một âm tiết “u” nhưng nó lại được đọc theo âm dài là “ちゅう”. Vẫn chưa tìm ra được quy luật chính xác của những trường hợp ngoại lệ này nhưng, theo điều tra của tác giả thì hình như những chữ Kanji có nguyên âm U trong âm Hán-Việt thường không theo quy tắc trên và nhiều nhất là ở hàng “しゅ;しゅう”trong tiếng Nhật. Chẳng hạn với các từ sau:

秀:しゅうTú 秋  しゅう Thu

宙 ちゅうTrụ 柔   にゅう  Nhu

2.2. Cách thứ hai

Đây là cách học thuộc lòng theo từng hàng phụ âm kết hợp với âm Hán-Việt. Đối với cách này, người học phải bỏ ra nhiều thì giờ hơn nhưng khi đã nhớ được thì rất có ích đối với việc học tiếng Nhật. Dưới đây là cách nhớ cách đọc âm ngắn hoặc âm dài được xếp theo 50 âm trong tiếng Nhật. Tuy nhiên xin lưu ý một điều là, cách nhớ này do tác giả nghiên cứu, tìm hiểu trên cuốn “漢和辞典”do nhà xuất bản 三省堂 phát hành năm 1996 và “Bảng tra chữ Hán tự và cách đọc theo âm Hán-Nhật” do Nhà xuất bản TÂN VĂN phát hành. Vì vậy trong các cuốn từ điển khác hay là trên sách, báo người học sẽ gặp những chữ Kanji khác đọc không đúng với cách này. Nhưng đó chỉ là các chữ Kanji không nằm trong 1945 chữ Kanji thông dụng theo quy định của Nhật, hoặc nó thuộc cách đọc đặc biệt trong tiếng Nhật. Ví dụ, chữ “富:ふ”âm Hán-Việt là “phú” nên đọc theo âm ngắn là đúng với qui tắc. Song có trường hợp khi ghép thành một từ, chữ này lại có cách đọc theo âm dài là “ふう”. Chữ “喪:Tang” trong từ điển có cả cách đọc là “も”nhưng đây không phải là cách đọc theo “Onyomi” mà là cách đọc theo “Kunyomi”. Hoặc chữ “柔:Nhu”có hai cách đọc là “じゅ”và “にゅう”. Như vậy, nếu đọc theo cách một là đúng với quy tắc suy cách đọc theo âm Hán-Việt. Những điểm nêu trên có lẽ chính là nguyên nhân của những trường hợp không theo quy tắc của âm Hán-Việt.

A. HÀNG か

ア.「きゅ」và 「ぎゅ」Tất cả các chữ ở hàng này đều là âm dài “Kuu” nên không cần để ý đến âm Hán-Việt.

イ.「きょう」と「ぎょう」Ở hàng này vì không thấy có trường hợp ngoại lệ nên cũng dễ nhớ.

Ví dụ: 居 (Cư)kyo 巨 (Cự)kyo 挙 (Cử) Kyo 御 (Ngự) Gyo

京 (Kinh) Kyoo 興 (Hưng) Kyoo 協 (Hiệp)  kyoo

教 (Giáo) Kyoo 業 (Nghiệp) Gyoo 仰 (Ngưỡng) Goo

ウ.「こ」「こう」と「ご」「ごう」 Trong cách đọc âm ngắn, có lẽ chỉ có chữ 「誇:こ」là trường hợp ngoại lệ vì âm Hán-Việt “Khoa” có hai âm tiết ở đằng sau. Trong cách đọc âm dài không có trường hợp ngoại lệ. Ví dụ:

口(koo) Công 工(koo) Công 鋼(koo) Cương 効(koo) Hiệu 号(goo) Hiệu 豪(goo) Hào 郷(goo) Hương v.v…

B. HÀNG さ

ア.「しゅ」「じゅ」Trong cách đọc âm ngắn có 3 từ không theo qui tắc là 朱(しゅ)Chu, Châu;種(しゅ)Chủng; 酒(しゅ)Tửu

Trong âm dài 「しゅう」「じゅう」cũng có một số từ không theo quy tắc và điều thú vị là những từ này đều có nguyên âm “u” trong âm Hán-việt. Ví dụ: 秀Tú 修: Tu;囚: Tù 秋: Thu 酬: Thù 醜: Xú  住: trú 柔: Nhu.

イ.「しょ」「じょ」と「しょう」「じょう」 Không có trường hợp ngoại lệ nên chỉ cần căn cứ vào âm Hán-Việt.

ウ.「そ」と「そう」Cũng không có trường hợp ngoại lệ, nhớ cách đọc theo âm Hán-Việt

 

C. HÀNG た

ア.「ちゅ」と「ちゅう」Không có cách đọc âm ngắn.

イ.「ちょ」と「ちょう」 Âm ngắn chỉ có 3 từ là 「著」「緒」「貯」còn lại đều đọc theo âm dài.

ウ.“と”と“とう”

Ở hàng này, các chữ được phát âm ngắn hoặc dài đều theo quy luật âm Hán –Việt, nhưng chỉ có chữ“登”là chữ duy nhất có cả hai cách đọc theo âm ngắn-dài. Tuy nhiên, chỉ có một từ duy nhất có cách đọc theo âm ngắn khi đi với chữ “登” đó là chữ “登山”còn lại đều đọc theo âm dài.

 

D. HÀNG な

ア.“にゅ” Hàng này không có từ nào đọc theo âm ngắn.

イ.“にょ” Đọc theo âm ngắn chỉ có hai chữ “如”と“女”

ウ.“の”  Ở hàng này chỉ có duy nhất một chữ “野”.

エ.“のう” Có 6 chữ đọc theo âm dài “脳;能;農;濃;悩;納

 

E. HÀNG は

ア.“ひゅ”と“ひゅう”Ở hàng này không có chữ Kanji nào.

イ.“ひょう” Không có chữ nào đọc theo âm ngắn.

ウ.“ふ”と“ふう”Trong các chữ đọc theo âm ngắn, có từ “不”không theo quy tắc âm Hán-Việt. Chữ “富”có hai cách đọc nhưng chỉ khi ghép thành từ “富貴”mới đọc theo âm dài “fuuki”. Chữ đọc theo âm dài chỉ có 2 chữ là “風”;“封”

エ.“ほ”と“ほう”Có 2 chữ ngoại lệ đọc theo âm ngắn đó là: “帆:phàm”;“保:bảo”.

 

G. HÀNG ま

ア.“みゅ”Không có chữ Kanji nào, tất cả đọc theo âm dài.

イ.“みょ”Không có chữ Kanji nào đọc theo âm ngắn.

ウ.“も” Trong cách đọc này, chỉ có 2 từ là “摸”と“茂”

エ.“もう”Không có trường hợp ngoại lệ.

 

H. HÀNG や

ア.“りゅ” Không có chữ Kanji nào, tất cả đều đọc theo âm dài.

イ.“りょ”Chỉ có 4 chữ Kanji đọc theo âm ngắn là:

慮:Lự  侶:Lữ  虜:Lỗ   旅:Lữ

ウ.“ろ” Chỉ có 3 từ đọc theo âm ngắn và đúng với qui tắc

炉:Lô  路:Lộ  露:Lộ

Trên đây là một số phương pháp học chữ Kanji trong tiếng Nhật mà tác giả tự mình tìm ra sau một thời gian dài sử dụng. Hi vọng những đúc kết trên sẽ có ích đối với những người đã, đang và sẽ học tập tiếng Nhật. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian nên chắc chắn những phương pháp trên sẽ còn nhiều thiếu sót. Vì vậy, rất mong nhận được đóng góp ý kiến và các phương pháp khác của độc giả để chúng ta cùng nhau hoàn thiện phương pháp học chữ Kanji trong tiếng Nhật.

 

 

 

Hỗ trợ (24/7) 0906 907 079