Tiến sĩ Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người từng có nhiều năm công tác tại Nhật với tư cách là nhà khoa học về khảo cổ và sinh vật học, chia sẻ bài viết với PNVN.
1. Trường đại học:
Trường Đại học Tổng hợp Kyoto của Nhật Bản là ngôi trường đại học nổi tiếng và lâu đời của nước Nhật. Nhà bác học Lương Đình Của cũng từng học tập ở đây.
Trường Kyoto có rất nhiều viện và trung tâm nghiên cứu. Tôi làm ở trung tâm nghiên cứu về các loài khỉ và nhân học. Đây là một trung tâm rất lớn, họ đem về đó rất nhiều loại khỉ từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Á, châu Âu, châu Phi và cả châu Mỹ. Những con khỉ từ khắp năm châu được đem về đây nuôi dưỡng để nghiên cứu.
Nhật là cường quốc đứng đầu về khoa học nên những trung tâm này rất danh tiếng. Khi tôi đến nhận công tác, những đồng nghiệp Nhật Bản của tôi tại đây rất nhiệt tình đón tiếp. Trung tâm của trường có một truyền thống là bất cứ ai từng làm việc ở đó thì đều được ghi vào sách lưu niệm của trường. Nhiều năm sau đó, khi tôi đã trở về Việt Nam, lúc quay trở lại trường thì vẫn thấy trên bức tường, ảnh chụp của tôi cùng mọi người được treo trang trọng trong phòng truyền thống. Người Nhật rất coi trọng những đối tác, đồng nghiệp đã làm việc cùng mình.
Trường ĐH Kyoto
Khi làm việc cùng các đồng nghiệp Nhật tại trường đại học, tôi nhận thấy phương pháp làm việc tập thể và theo nhóm của họ rất hiệu quả. Mọi người khi đã ngồi cùng nhau bao giờ cũng tôn trọng nhau, đóng góp ý kiến để cùng xây dựng. Lao động tập thể là điều rất Nhật Bản, điều mà chúng ta nên học tập. Những cá nhân khi đã vào một nhóm làm việc thì tuyệt đối trung thành với nhóm, tuân theo các nguyên tắc của nhóm và thành bại đều cùng có nhau. Có lẽ vì thế mà họ đạt được thành công. Đó là một tác phong khoa học và công việc rất đáng trân trọng và học tập của Nhật Bản.
Thời gian làm việc ở Nhật tất nhiên là theo quy định của luật pháp là mỗi ngày làm việc 8 tiếng, nhưng hầu như người Nhật không tuân thủ theo luật pháp. Họ thường làm quá giờ so với quy định. Đây là thứ duy nhất tôi thấy người Nhật “vi phạm” luật. Người Nhật Bản chăm chỉ, cần cù và nhẫn nại. Nên những ai thấy mình thiếu cần cù hoặc đơn giản là chỉ không làm đủ thời gian như đồng nghiệp thì họ đều tự cho rằng đó là sự xấu hổ.
Tôi cũng được giao giúp đỡ một số sinh viên Nhật trong học tập và nghiên cứu. Những sinh viên này học học tập rất chăm chỉ và nhiệt tình. Tôi cho rằng đây cũng chính là điều giúp nước Nhật trở nên hùng cường bởi họ có giá trị về sự tự giác và tôn trọng những người đi trước để vươn lên.
Đến nay, khi tôi đã nghỉ hưu, song các bạn bè và học sinh cũ của tôi bên Nhật khi cần trao đổi tư liệu hay công việc thì họ vẫn gọi điện hoặc gửi thư điện tử để trao đổi.
2. Coi trọng R&D:
Nhật là quốc gia rất coi trọng đầu tư cho lĩnh vực R&D (Research and Development - nghiên cứu và phát triển). Đây là một trong những chìa khóa thành công của nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới.
Nhà nước và các công ty của Nhật luôn thỏa mãn, đáp ứng các nhu cầu về nghiên cứu, môi trường làm việc của các nhà khoa học. Khi các công ty sản xuất ra các máy móc, thiết bị mới, bao giờ họ cũng tặng cho các trường đại học những thiết bị tốt nhất của mình. Bởi đấy là những thứ quảng cáo mà nhà nước không đánh thuế.
Tôi nhớ có lần tôi tham gia một dự án khảo cổ ở Việt Nam, phía Nhật cũng có các chuyên gia được cử sang để đi cùng đoàn khai quật. Lúc đó phía Viện Khảo cổ của Việt Nam rất thiếu thốn. Chuyên gia Nhật hứa giúp đỡ về thiết bị. Các chuyên gia Nhật gọi điện về nước, thế là các công ty bên Nhật tặng ngay các thiết bị để phục vụ khai quật như máy phát điện, đèn pin... Song, họ yêu cầu là phải chứng minh rằng những thiết bị trên đã được dùng ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây là một cách quảng cáo rất khôn ngoan của các công ty Nhật, bởi thay vì tốn chi phí quảng cáo, họ tặng cho một nhóm làm khoa học mà không phải đóng thuế, mà phía Việt Nam cũng được hưởng lợi, và tất nhiên, đó cũng là thị trường tiềm năng cho các công ty Nhật.
May mắn lớn nhất của tôi trong thời gian làm việc tại Nhật là tôi được phép tự do tìm các tài liệu trên toàn cầu, ngay cả khi có nhu cầu cần tìm tài liệu ở nước ngoài thì các đồng nghiệp Nhật cũng sẵn sàng giúp. Lúc đó internet chưa phát triển như hiện nay, nên tra cứu tài liệu trên mạng là rất khó. Song, các chuyên gia Nhật Bản luôn cởi mở, luôn dành điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học để họ phát huy được hết khả năng của mình.
Khi tôi sang Nhật thì được trường Đại học Kyoto dành cho hẳn một phòng làm việc, trong đó có trang bị máy móc đầy đủ. Họ trang bị cho tôi một chiếc máy tính laptop. Cần nói thêm là máy tính bàn lúc đấy rất hiếm, chứ đừng nói đến laptop. Chiếc laptop khi đó đắt bằng một chiếc ô tô. Khi tôi sang Nhật, trong trao đổi công việc, trường Đại học Kyoto có một điều khoản là chuyên gia nước ngoài thì sẽ có một khoản kinh phí để được mua một trang thiết bị phục vụ cho công việc. Nhà khoa học muốn mua cái gì thì mua. Tôi chọn mua một chiếc máy laptop.
Lúc đầu tôi không biết giá trị thực của chiếc laptop. Sau này, trong một dịp đi Bỉ, khi thấy tôi cầm theo chiếc laptop thì người lái xe rất e ngại. Khi ngồi trên ô tô, lái xe bảo rằng phải cất kỹ cái máy laptop đi, kẻo kẻ gian đập vỡ cửa kính xe để lấy trộm. Người lái xe bảo chiếc laptop của tôi còn đắt hơn cả chiếc xe ô tô anh ta đang lái!
3. Chu đáo với khách:
Người Nhật rất chu đáo với khách. Khi tôi vừa đến sân bay, đã có người của Đại học Kyoto ra tiếp đón, rồi họ đưa về nhà, bố trí nơi ăn ở. Điều này ở châu Âu không có.
Tôi nhớ có lần một người bạn Nhật làm cùng nhóm nghiên cứu mời về nhà họ chơi. Khi tôi đến nhà, tự tay chủ nhà trải chiếu, chuẩn bị chỗ nằm nghỉ ngơi cho khách. Vị trí nằm cũng rất đặc biệt: nằm ngay ở gian giữa, ngay dưới bàn thờ bố của người bạn. Đó là vị trí chỉ dành cho khách quý. Điều đó nói lên rằng họ rất trân trọng khách.
Những giờ nghỉ của người Nhật cũng rất thú vị. Ở các cơ quan công sở, khi mà ông sếp rủ đi uống bia, uống rượu, liên hoan hay hát karaoke thì bao giờ người cấp cao cũng trả tiền cho người cấp dưới. Nếu như ông giám đốc bảo: “Hôm nay cả đoàn đi uống rượu nhé”, thì có nghĩa là ông ấy sẽ là người trả tiền. Vì làm việc căng thẳng nên họ rất hòa đồng khi vui chơi cùng nhau, không có sự phân biệt khi ngồi liên hoan với nhau.
Karaoke có nguồn gốc từ nước Nhật. Lúc đầu chỉ là các container xếp lại thành phòng, rồi họ tự hát với nhau, xuất phát từ nhu cầu xả stress sau những ngày lao động căng thẳng. Tôi nhớ lần đầu tiên nghe nói đến "karaoke" là từ ông Ca Lê Thuần, khi đó ông Thuần là đại biểu Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Có một lần ông Thuần ra Hà Nội, đến chơi nhà tôi và bảo: “Long ơi, cậu có biết ở Sài Gòn có gì hay không?”. Tôi hỏi thì ông Ca Lê Thuần bảo: “Nhật Bản vừa cho một dàn karaoke. Hay lắm”. Ông Thuần nói cái này rất tốt cho các sinh viên khoa thanh nhạc vì có cái để luyện giọng. Ông Thuần tỏ ra rất thích. Sau đó thì karaoke tràn lan và phổ biến rộng khắp.
Ăn uống cũng là điều thú vị của Nhật. Nếu người Việt Nam khi ăn uống mà húp sùm sụp bị coi là mất lịch sự thì ở Nhật, đó lại là điều thú vị. Tôi được một người bạn mời đi ăn mì, gọi là món ramen. Khi ăn thì húp sùm sụp. Người bạn bảo tôi "phải ăn như thế mới là ngon và đúng kiểu".
Mì ramen
Ẩm thực của Nhật độc đáo, bởi thế những người nào thích thì mê vô cùng. Còn ai mà “sợ” thì cũng sợ vô cùng. Người Nhật ăn đồ tươi sống nhiều. Món ăn của họ rất nhiều hải sản, mà hầu hết là ăn sống. Bữa ăn đầu tiên tôi được mời là một bát bạch tuộc sống được xay nhuyễn, coi như là một món khai vị. Ai mà không biết thì ghê, nhưng tôi thấy bình thường. Tảo biển là món phổ biến vì ăn shushi là phải có tảo biển.
Nhìn chung thực phẩm ở Nhật đắt đỏ. Và nó cũng ngon với ai thích nó. Người Nhật coi trọng mĩ thuật trong ẩm thực nhiều hơn. Nhật Bản là nước có tinh hoa văn hóa ẩm thực cao và họ giữ gìn tính truyền thống của mình.
4. Giao thông:
Vào giờ đi làm hay tan tầm thì các phương tiện giao thông ở Nhật rất đông. Mọi thứ đều hoàn toàn tự động. Ai mà không biết các quy tắc giao thông thì không thể đi được đến nơi làm việc. Ngay cả bến xe điện, nếu không xếp hàng đúng tuyến thì sẽ không thể đi được.
Nước Nhật là nước phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật chính xác nên họ rất coi trọng thời gian, giờ giấc. Nhân viên phục vụ ngành đường sắt của Nhật cũng chính xác như một chiếc đồng hồ. Ở Nhật từng có chuyện một nhân viên ngành đường sắt chỉ vì lái tàu chậm vài phút mà đã tự tử vì tư cách nghề nghiệp.
Khi vào toa tàu, do đông và căng thẳng nên hành khách ai ai cũng như ngủ đang ngủ. Trong khi ở Nga, khi lên tàu, mọi người thường đọc sách, còn người Nhật thì lên tàu thường gật gù vì họ làm việc căng thẳng quá.
Đi tìm đường ở Nhật cũng rất khó. Nước Nhật có nhiều đảo, dân số đông nên trong quy hoạch đô thị và giao thông cũng khác biệt. Có những dãy phố, khu mua sắm được xây dựng dưới lòng đất rất hiện đại. Như Kyoto, Tokyo, nhiều ga nằm dưới đất rất phức tạp. Khi cần tìm đường, dù chỉ cần nói tiếng Anh ở mức giao tiếp được, khi hỏi đường, người Nhật đều chỉ đường rất tận tình.
Có lần tôi có việc cần liên hệ làm việc với đại sứ quán Bỉ ở Tokyo, dù trước đó tôi đã tra bản đồ rất kĩ nhưng vẫn không tìm ra. Rất may là có một cô gái Nhật dẫn đi. Cô ấy rất nhiệt tình, dẫn tôi đi bộ hàng cây số đến tận đại sứ quán. Họ rất tôn trọng khách nước ngoài, điều đó rất đáng quý. Đó là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên được.
5. Bình đẳng giới:
Về bình đẳng nam nữ của Nhật Bản hiện nay cũng đã khác trước rất nhiều. Tôi nhớ xưa, các cụ hay bảo “ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ngủ nhà Tây”. Các cụ giải thích là vợ Nhật thì chiều chồng lắm, ví dụ chồng đi làm về là vợ mang chậu nước nóng đến để cho chồng ngâm chân, rồi thì khi lấy chồng là bỏ mọi công việc để ở nhà chăm sóc gia đình, con cái...
Nhưng khi sang Nhật, tôi thấy khác lắm. Thực ra quan điểm trên không hoàn toàn chính xác. Bởi phụ nữ Nhật hiện nay tương đối bình đẳng với nam giới. Tôi thấy vợ chồng ở Nhật rất tôn trọng nhau.
Bữa cơm của một gia đình người Nhật
Ví dụ vợ chồng của bạn tôi. Người vợ học ở Mỹ về, làm trưởng bộ môn cổ động vật học của một trường đại học tại Tokyo, trong khi người chồng thì lại làm nghiên cứu văn hóa ở Nepal. Hai vợ chồng thường xuyên xa nhau, có khi cả năm mới gặp nhau vài lần. Họ quá đam mê công việc. Vợ chồng họ hiếm muộn, mãi ngoài 40 tuổi mới có con.
Khi vào các quán bar ở Nhật, bạn vẫn rất dễ dàng nhận ra có những quán bar mà khách chỉ toàn là phụ nữ. Họ tìm đến đó để ngồi uống rượu, trò chuyện với nhau, khỏa lấp đi sự cô đơn của chính mình. Việc kết hôn, lập gia đình ở Nhật Bản cũng đang là một vấn đề nan giải trong giới trẻ.
(Vũ Thế Long)